- 1.Dùng hộp đựng chuyên dụng
- 2.Dùng kẹp treo các túi thực phẩm lên giá
- 3.Để đồ theo hạn sử dụng
- 4.Phân thực phẩm theo nhóm
- 5.Biết rõ chức năng của các ngăn tủ lạnh
- 6.Sử dụng khay đựng nhiều thứ đồ một lúc ở trong ngăn đá
- 7.Dùng khay đựng trứng để chứa chai lọ
- 8.Đựng salad vào các hộp thủy tinh
- 9.Sử dụng các hộp có gắn nam châm ở đáy
- 10.Để gia vị và rau củ trong khay, hộp
- 11.Xếp thực phẩm tiện cho việc lấy ra ngoài
- 12.Dành một ngăn riêng cho các thực phẩm thường lấy ra
- 13.Ưu tiên sử dụng hộp đựng vuông, chữ nhật
- 14.Xếp thực phẩm theo các tầng tủ lạnh
1.Dùng hộp đựng chuyên dụng
Diện tích tủ lạnh sẽ được tiết kiệm tối đa với hộp đựng chuyên dụng khi các hộp được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng.
Bảo quản thực phẩm trong hộp cũng sẽ giúp cho các mùi thức ăn không trộn lẫn vào nhau, đồng thời không gây ô nhiễm cho tủ lạnh, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, sử dụng các hộp đựng hình chữ nhật hoặc hình vuông cũng tận dụng tối đa không gian tủ lạnh thay vì sử dụng hộp đựng hình tròn.
Bên cạnh đó, việc dán tên ghi chú các loại hộp đựng cũng giúp người dùng dễ dàng nhận diện và tìm các hộp nhanh chóng mà không phải lục tung ngăn tủ.
2.Dùng kẹp treo các túi thực phẩm lên giá
Tận dụng kẹp treo các túi thực phẩm đang sử dụng dở lên các giá trong tủ lạnh. Cách làm này không chỉ giữ kín món đồ đang dùng dở vừa có thể để tận dụng các góc chết của tủ lạnh.
3.Để đồ theo hạn sử dụng
Việc sắp xếp đồ theo ngày sử dụng cho phép bạn sử dụng thực phẩm một cách an toàn và thông minh. Các thức ăn có hạn sử dụng ngắn hạn hơn cần được đặt ở vị trí dễ dàng nhìn thấy và sử dụng.
Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến điều kiện nhiệt độ của từng ngăn, khay trong tủ lạnh để đảm bảo chúng được bảo quản đúng cách trước khi chúng hết hạn sử dụng.
4.Phân thực phẩm theo nhóm
Một quy tắc không thể bỏ qua khác là nên sử dụng tủ lạnh có thiết kế phân chia nhiều ngăn riêng biệt để quản thực phẩm theo 3 nhóm: thức ăn đã chế biến, rau quả và thực phẩm tươi sống.
Điều này không chỉ khiến các ngăn trở nên gọn gàng, dễ nhìn hơn mà thực phẩm cũng đảm bảo an toàn hơn.
Tuổi thọ các món đồ ăn sẽ bị giảm nhanh chóng, thậm chí gây ngộ độc nếu chúng ta bảo quản chúng sai cách. Điều này cũng khiến chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị hao hụt ít nhiều vì vậy nguyên tắc này không thể quên.
5.Biết rõ chức năng của các ngăn tủ lạnh
Các ngăn trong tủ lạnh đều được thiết kế với những chức năng riêng biệt: ngăn đông thường để lưu trữ thực phẩm tươi sống trong thời gian dài, ngăn lạnh thì thích hợp với thực phẩm đã được chế biến hay các sản phẩm từ sữa với thời gian ngắn hơn.
Nếu rau quả cần một ngăn chứa mát mẻ và tăng cường độ ẩm trong nhiệt độ lý tưởng 3 - 9 độ C, thì thực phẩm tươi sống như thịt, cá lại nên được lưu trữ ở ngăn có nhiệt độ lạnh hơn từ -22 độ C đến -16 độ C.
Nhận biết chức năng các ngăn này để đảm bảo các thực phẩm bảo quản đúng cách và phân loại rõ ràng, thuận tiện trong quá trình lấy ra sử dụng.
6.Sử dụng khay đựng nhiều thứ đồ một lúc ở trong ngăn đá
Một chiếc khay đa năng trên ngăn đá rõ ràng sẽ khiến cho tủ lạnh tiết kiệm diện tích, ngăn nắp hơn và người dùng cũng dễ phân loại và lấy thực phẩm mỗi khi cần sử dụng.
7.Dùng khay đựng trứng để chứa chai lọ
Bạn có thể tận dụng khay đựng trứng đã sử dụng để đặt các loại chai lọ nước sốt như hình minh họa. Cách sắp xếp này vừa đỡ tốn diện tích, vừa tránh được tiếng va chạm lục cục của các loại chai lọ khi bạn mở cửa tủ lạnh.
8.Đựng salad vào các hộp thủy tinh
Đựng salad trong các hộp thủy tinh chứa thực giúp cho salad tươi hơn, lâu hơn và gọn gàng hơn. Khi cần bạn có thể sử dụng ngay và không lo bị hỏng nếu sử dụng không hết.
9.Sử dụng các hộp có gắn nam châm ở đáy
Nam châm sẽ giúp hộp dính lên những mặt trống trên thành tủ lạnh, giúp bạn tối đa tận dụng những khoảng trống để trữ đồ. Tuy nhiên, bạn chỉ nên đựng những thực phẩm có khối lượn nhẹ và chọn những hộp có kích thước không quá lớn để không áng chỗ những khu vực khác trong tủ lạnh.
10.Để gia vị và rau củ trong khay, hộp
Các loại gia vị, các bạn có thể đặt ở trên cánh cửa tủ vì kích thước thường khá nhỏ và không chiếm nhiều diện tích. Ngoài ra để ở cánh cửa tủ giúp cho việc lấy gia vị được nhanh hơn. Gia vị nên được đựng trong hộp kín để tránh bám mùi vào tủ lạnh và không ảnh hưởng đến chất lượng của gia vị.
Đối với trái cây, trái cây chín sẽ sản sinh ra khí Ethylene có tác dụng kích thích sự chín nên hạn chế để trái cây gần nhau trong tủ lạnh, vì những trái chín sớm sẽ lây sang các trái khác, nếu bạn không ăn kịp thì sẽ nhanh hỏng. Cách khắc phục là bạn có thể trữ trong các hộp đựng riêng biệt để hạn chế sự chín của trái cây.
Đối với các loại rau củ, trước khi cho vào tủ lạnh để cất giữ, bạn nên loại bỏ bớt phần lá xanh không cần thiết ở su hào, cà rốt, củ cải,... và nên xếp chúng vào ngăn tủ dưới cùng để rau củ giữ được độ tươi xanh lâu hơn.
11.Xếp thực phẩm tiện cho việc lấy ra ngoài
Bạn ưu tiên xếp những thực phẩm, những khay thực phẩm thường hay sử dụng ở ngoài cùng cho tiện lấy ra lấy vào. Những thực phẩm hay những khay thực phẩm ít sử dụng thì có thể đặt góc trong cùng hoặc ở góc tủ để hạn chế việc khó khăn trong lấy các thực phẩm trong tủ khi cần.
12.Dành một ngăn riêng cho các thực phẩm thường lấy ra
Thay vì sắp xếp theo thứ tự trong ngoài, bạn có thể chừa hẳn một ngăn tủ để trữ những thực phẩm thường xuyên sử dụng đến, để tiết kiệm thời gian lấy thực phẩm và không ảnh hưởng đến những thực phẩm khác.
13.Ưu tiên sử dụng hộp đựng vuông, chữ nhật
Trữ thức ăn trong hộp tròn trong tủ lạnh sẽ tạo ra những khoảng chết khi xếp liền kề các hộp lại với nhau do những góc tròn sẽ không khít lại với nhau. Trong khi, hộp vuông và hộp chữ nhật sẽ có thể xếp khít lại do các cạnh thẳng và các góc xếp lại cũng khít với nhau. Thế nên khi lựa chọn hộp, để tối ưu không gian thì bạn nên chọn hộp vuông hoặc chữ nhật sẽ tiện lợi hơn.
14.Xếp thực phẩm theo các tầng tủ lạnh
Ngăn mát của tủ lạnh bao gồm cánh cửa tủ, kệ trên, kệ dưới và hộc tủ. Với mỗi phần như vậy, chúng ta nên có cách sắp xếp cho hợp lí.
Cánh cửa tủ
Ở vị trí này bạn nên để những thực phẩm khô hoặc các loại gia vị, sốt có thể quản lâu hoặc các chai nước vì ở vị trí này thường ít nhận được hơi lạnh nhất. Những thực phẩm có khối lượng nặng nên để ở ngăn dưới còn những thực phẩm nhẹ có thể để ở ngăn trên để thuận tiện và tối ưu khi sử dụng.
Kệ trên cùng
Kệ trên cùng thích hợp để thực phẩm như thức ăn thừa hoặc các thực phẩm ăn liền hoặc đồ uống vì khu vực này dễ lấy và khá vừa với tầm mắt của bạn. Nơi có nhiệt độ thích hợp để giữ chúng được lâu hơn, hạn chế hư hỏng nhanh.
Những kệ dưới
Những ngăn còn lại, bạn có thể tùy ý để các thực phẩm khác nhau như trái cây, sữa, nước uống, bánh ngọt,... Càng xuống dưới, các kệ nhận được hơi lạnh nhiều hơn các phần khác. Khi lưu trữ các thực phẩm đó bạn nên cho chúng vào hộp đựng hoặc bao kín để tránh rỉ nước những thực phẩm khác và gây mùi cho tủ lạnh.
Hộc tủ
Các hộc tủ tương đối kín có thể giúp duy trì độ ẩm thích hợp cho các loại rau, củ, quả nên ngăn này thường để các loại rau củ quả.
Một vài lưu ý quan trọng khác:
- Lau dọn tủ lạnh định kỳ để tủ lạnh luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và tránh gây ra mùi hôi khó chịu.
- Loại bỏ bớt những thực phẩm đã hết date hoặc không còn nhu cầu sử dụng để tiết kiệm không gian bên trong tủ lạnh.
- Đối với các thức ăn có mùi như: mít, sầu riêng… nên bọc kỹ trước khi bỏ vào tủ lạnh.
- Những thực phẩm thường xuyên sử dụng nên để ở gần ngoài để dễ dàng lấy khi cần.
Trên đây là một vài cách sắp thức ăn thông minh trong tủ lạnh để chứa được nhiều đồ, mong rằng bài viết hữu ích và giải quyết được nỗi phiền toái về chiếc tủ lạnh luôn hết chỗ chứa của bạn.